Số thẻ ngân hàng là gì? Lưu ý bảo mật thẻ ngân hàng khi thanh toán trực tuyến

icon calendar23/12/2024

Số thẻ ngân hàng là dãy số quan trọng được in trên mặt trước của thẻ, đóng vai trò then chốt trong các giao dịch tài chính. Hiểu rõ về cấu trúc và ý nghĩa của số thẻ ngân hàng sẽ giúp bạn sử dụng thẻ hiệu quả và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trong quá trình giao dịch.

Bạn đọc lưu ý: Các số liệu và thông tin trong bài viết được tổng hợp từ nguồn thị trường chung và không áp dụng riêng cho sản phẩm hay dịch vụ của SeABank. 

1. Số thẻ ngân hàng là gì? Cấu trúc và ý nghĩa của số thẻ ngân hàng

Số thẻ ngân hàng là một dãy số gồm 16 hoặc 19 chữ số, in nổi trên mặt thẻ, được tạo ra để định danh từng tài khoản ngân hàng một cách riêng biệt. Đây là công cụ giúp ngân hàng quản lý thông tin khách hàng, theo dõi và phân loại giao dịch dễ dàng hơn. Ngoài ra, số thẻ còn hỗ trợ người dùng thực hiện các giao dịch trực tuyến, nâng cao tính bảo mật và tiện lợi trong thanh toán.

Cấu trúc thẻ ngân hàng được phát hành tại Việt Nam được quy định như sau:

Số thẻ ghi nợ

Số thẻ ghi nợ của ngân hàng được chia thành 4 nhóm với ý nghĩa cụ thể như sau:

  • 4 chữ số đầu (Mã BIN): Đây là mã do Ngân hàng Nhà nước quy định, giúp nhận diện ngân hàng phát hành. 
  • 2 chữ số tiếp theo (Mã ngân hàng): Mã riêng biệt của từng ngân hàng.
  • 4 - 8 chữ số kế tiếp (Mã CIF): Là mã định danh thông tin khách hàng (Customer Information File), liên kết với hồ sơ cá nhân tại ngân hàng.
  • Các chữ số còn lại: Dùng để phân biệt tài khoản của khách hàng trong cùng một ngân hàng.

Số thẻ tín dụng

Số của thẻ tín dụng tại Việt Nam được quy định gồm có 16 chữ số, các chữ số có ý nghĩa như sau:

  • Chữ số đầu tiên: Cung cấp thông tin về tổ chức hoặc ngân hàng phát hành thẻ.
  • Cụm 3 chữ số tiếp theo: Mã ID của ngân hàng phát hành thẻ.
  • Cụm 9 chữ số kế tiếp: Thông tin xác định tài khoản của chủ thẻ tại ngân hàng đó.
  • Chữ số cuối cùng: Một số ngẫu nhiên gọi là checksum, được tính toán bằng thuật toán Luhn và được dùng để kiểm tra độ chính xác của thẻ tín dụng.

Riêng với chữ số đầu tiên, các loại thẻ tín dụng được phát hành tại Việt Nam được quy định về đơn vị phát hành như sau:

  • Chữ số 1, 2: Thẻ tín dụng được phát hành bởi các hãng hàng không;
  • Chữ số 3: Các hãng giải trí, du lịch - lữ hành;
  • Chữ số 4 - 5: Các tổ chức tài chính và ngân hàng;
  • Chữ số 6: Các ngân hàng và doanh nghiệp;
  • Chữ số 7: Công ty dầu khí;
  • Chữ số 8: Công ty viễn thông;
  • Chữ số 9: Thẻ tín dụng được phát hành bởi Nhà nước.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcz2QBhlqaQGW6kw43jE5dw5R9GiMNHRqFptf59t-yFJJaSf0JhQPsW8HUvxKN4-i26E32McPIIelXmGyrwY8ZqQjGefrk4QQTsu8_kXbvp9JQOwpxCD7kqg8sb3pUkoiDhXFDg?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Số thẻ ngân hàng dài khoảng 16 - 19 số, giúp ngân hàng quản lý thông tin và giao dịch của khách hàng.

2. Cách kiểm tra số thẻ ngân hàng

Số thẻ ngân hàng thường được in nổi trực tiếp trên bề mặt của thẻ vật lý. Thông thường, dãy số này nằm ở mặt trước của thẻ và có thể dễ dàng nhìn thấy. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, số thẻ ngân hàng có thể được in ở mặt sau thẻ.

Nếu không có sẵn thẻ vật lý, bạn có thể sử dụng các ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại để kiểm tra số thẻ ngân hàng theo các bước:

  • Bước 1 - Mở ứng dụng ngân hàng: Đăng nhập vào tài khoản của bạn.
  • Bước 2 - Truy cập mục "Dịch vụ thẻ": Tìm danh mục liên quan đến thẻ trong giao diện ứng dụng.
  • Bước 3 - Chọn thẻ cần xem thông tin: Từ danh sách các thẻ, chọn thẻ bạn muốn kiểm tra.
  • Bước 4 - Xem số thẻ: Hệ thống sẽ hiển thị số thẻ, tuy nhiên, một số ngân hàng yêu cầu bạn nhập mã PIN hoặc thông tin bảo mật khác trước khi truy cập.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXehilBaYs56lIGDK6xirSux3SM4ohyoDCCeCoHqwbMi6T0iBesovFiUfMt7ljn87AEccJ9i6V9gRGbkAQUNRBLkIy8CVIrgcysOaX6X3NXYqjBsFrk6TIHtVSPxmI8w_m1pOlMW?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Nếu không có sẵn thẻ vật lý, bạn có thể xem số thẻ ngân hàng trên ứng dụng Internet Banking của ngân hàng.

3. Vai trò của số thẻ ngân hàng khi giao dịch tài chính

Số thẻ ngân hàng không chỉ là dãy số định danh, mà còn là chìa khóa mở ra hàng loạt tiện ích trong giao dịch tài chính hiện đại. Từ thanh toán online đến kết nối ví điện tử, số thẻ đóng vai trò trung tâm giúp các giao dịch trở nên nhanh chóng, tiện lợi và an toàn:

  • Thanh toán online: Số thẻ ngân hàng giúp khách hàng dễ dàng thanh toán trên các website hoặc ứng dụng mua sắm trực tuyến.
  • Chuyển tiền: Bạn có thể sử dụng số thẻ ngân hàng để nhận hoặc chuyển tiền tại các ứng dụng ngân hàng số, cây ATM hoặc phòng giao dịch.
  • Kết nối với ví điện tử: Bạn cần sử dụng số thẻ ngân hàng để liên kết với các loại ví điện tử như MoMo, ZaloPay, VNPay để có thể sử dụng các ví này.
  • Quản lý và lưu trữ thông tin khách hàng: Với số thẻ ngân hàng, hệ thống ngân hàng dễ dàng định danh từng khách hàng và theo dõi các giao dịch của họ. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý thông tin mà còn đảm bảo khách hàng được sử dụng dịch vụ chính xác với độ bảo mật cao.

Ngoài ra, số thẻ ngân hàng cũng có thể được yêu cầu khi bạn nạp tiền vào tài khoản qua các trụ ATM hoặc quầy giao dịch.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcWZwLHeASrv2_t8yr1im5mpSuidEGfYdOTo1tZg0wWDcPBdkeuGXSnd4u5JYetvSWUkaONFG8tjFp6kgnud6O12IuqmGUAvyu1EZZuoiUo8OyPPuYvWAPNDxEbh4PSb2YElydL-A?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Số thẻ ngân hàng là chìa khóa mở ra hàng loạt tiện ích trong giao dịch tài chính hiện đại. 

4. Sự khác biệt giữa số thẻ ngân hàng và số tài khoản ngân hàng

Số thẻ ngân hàng và số tài khoản ngân hàng thường bị nhầm lẫn nhưng thực tế chúng lại là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Sau đây là bảng so sánh sự khác biệt giữa số thẻ ngân hàng và số tài khoản ngân hàng:

Đặc điểm

Số thẻ ngân hàng

Số tài khoản ngân hàng

Vị trí hiển thị

In nổi trực tiếp trên mặt trước hoặc mặt sau của thẻ ngân hàng.

Chỉ hiển thị trên hợp đồng mở tài khoản, email xác nhận giao dịch hoặc trong ứng dụng ngân hàng số.

Độ dài

Gồm 16 hoặc 19 chữ số, tùy theo quy định của từng ngân hàng.

Thường bao gồm 6 đến 15 ký tự (có thể bao gồm chữ số hoặc chữ số và chữ cái), tùy theo quy định của từng ngân hàng. Ngoài ra hiện nay nhiều ngân hàng cho phép khách hàng có thể tự chọn số tài khoản theo sở thích 

Cấu trúc

Chia thành 4 nhóm lần lượt là:

  • Mã BIN (4 chữ số đầu)
  • Mã ngân hàng (2 chữ số tiếp theo)
  • Mã CIF của khách hàng (4 chữ số tiếp theo)
  • Mã khách hàng (các chữ số cuối)

Không có cấu trúc phân nhóm rõ ràng, là mã định danh duy nhất cho tài khoản.

Người dùng có thể sử dụng số điện thoại làm số tài khoản ngân hàng hoặc dùng số mặc định của ngân hàng (bao gồm mã đại diện của ngân hàng và mã khách hàng).

Chức năng

  • Dùng trong các giao dịch rút tiền tại cây ATM/phòng giao dịch hoặc thanh toán online, liên kết ví điện tử...
  • Ngân hàng có thể sử dụng để lưu trữ và quản lý các hoạt động của khách hàng.

Dùng để nhận và chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng.

5. Nên chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng hay số tài khoản ngân hàng?

Mỗi phương thức chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng và số tài khoản ngân hàng đều có ưu điểm cũng như hạn chế riêng, phù hợp với các tình huống khác nhau:

  • Chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng: Chuyển tiền qua số tài khoản là hình thức phổ biến nhất hiện nay, được hỗ trợ bởi tất cả các ngân hàng. Người dùng chỉ cần cung cấp số tài khoản, tên ngân hàng và đôi khi là tên chi nhánh. Phương thức này phù hợp với mọi loại giao dịch, kể cả nội bộ hay liên ngân hàng.
  • Chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng: Chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng thường được áp dụng cho thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước (Prepaid). Hình thức này chỉ khả dụng giữa các ngân hàng thuộc hệ thống Napas. Người gửi chỉ cần số thẻ của người nhận, không cần thêm thông tin như chi nhánh hay tên tài khoản.

Như vậy, nếu bạn cần chuyển tiền thường xuyên trong các giao dịch hàng ngày, bạn nên lựa chọn phương thức chuyển qua số tài khoản ngân hàng. Ngược lại, bạn có thể chuyển qua số thẻ trong các trường hợp giao dịch nội bộ giữa các ngân hàng thuộc hệ thống Napas hoặc thẻ Prepaid.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXenN_ekyhNijTA3PjH7yXT5IH0OqZoXiwfqd6Dixzhk7OVOlRDDds15E3EzE5V9CkC6GNpmgl7CZqkANPd_4fbDQZLCjoHbgGdG8OrfU39CGf9rc8UMhQnkbiS443wOTc7Le6fJvw?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng thường được áp dụng cho thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước.

6. Hướng dẫn cách chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng

Để chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng, bạn có thể thực hiện tương tự như khi chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng. Các bước cụ thể như sau:

Chuyển tiền tại cây ATM

  • Bước 1: Đưa thẻ ngân hàng vào khe đọc thẻ.
  • Bước 2: Nhập mã PIN (mật khẩu thẻ) để đăng nhập.
  • Bước 3: Chọn mục Chuyển tiền hoặc Chuyển khoản, sau đó chọn Chuyển cùng ngân hàng hoặc Chuyển khác ngân hàng.
  • Bước 4: Nhập số thẻ của người nhận và kiểm tra tên tài khoản và thông tin người nhận hiển thị trên màn hình.
  • Bước 5: Nhập số tiền cần chuyển và xác nhận thông tin giao dịch.
  • Bước 6: Nhập mã PIN để xác nhận giao dịch.
  • Bước 7: Nhận lại thẻ và thông báo giao dịch hoàn tất.

Chuyển tiền qua Internet Banking hoặc Mobile Banking

  • Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng hoặc website của ngân hàng.
  • Bước 2: Chọn mục Chuyển tiền và nhập số thẻ người thụ hưởng.
  • Bước 3: Kiểm tra thông tin người nhận hiển thị tự động.
  • Bước 4: Nhập số tiền cần chuyển và xác nhận giao dịch.

Chuyển tiền tại quầy giao dịch ngân hàng

Bạn có thể đến trực tiếp ngân hàng, cung cấp số thẻ người nhận cho nhân viên và hoàn tất các bước theo hướng dẫn tại quầy giao dịch.

Lưu ý khi chuyển tiền qua số thẻ

  • Nhập chính xác số thẻ ngân hàng để tránh sai sót trong giao dịch.
  • Đảm bảo kiểm tra thông tin người nhận trước khi xác nhận chuyển tiền.

Chi phí chuyển tiền qua số thẻ ngân hàng

Một số ngân hàng có thể áp dụng phí cho giao dịch này. Mức phí dao động tùy thuộc vào từng ngân hàng (3.300 - 11.000 VNĐ khi chuyển tiền tại cây ATM hoặc 15.000 - 22.000 VNĐ khi giao dịch tại quầy). Chi phí này thường được công bố công khai trên website chính thức của ngân hàng. Trước khi chuyển, bạn nên kiểm tra biểu phí để lựa chọn phương thức giao dịch phù hợp nhất.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXdHwIe8WvR1d-8PXjHBQuBVj_P_R8nHvEhRV7QO9dgDzOw1QzTkgYbF7No-yDPRGjspXDNViWoYk7NKkgwIjfVg4DjXhMKDDV6eKVoMYCtb1XrQrkePQYqDnT22xrSl-JhhA91U5A?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Bạn có thể thực hiện chuyển tiền qua thẻ ngân hàng tương tự như khi chuyển qua số tài khoản.

7. Các lưu ý bảo mật khi sử dụng số thẻ ngân hàng

Số thẻ ngân hàng chứa thông tin định danh tài khoản của bạn. Nếu bị lộ, kẻ xấu có thể lợi dụng để thực hiện các giao dịch trái phép, từ đó gây thiệt hại về tài chính và uy tín của bạn. Ngoài ra, việc nhầm lẫn giữa số thẻ và số tài khoản trong giao dịch cũng có thể dẫn đến chuyển khoản sai, gây mất thời gian xử lý.

Vì vậy, khi sử dụng số thẻ ngân hàng để giao dịch, đặc biệt là giao dịch online, bạn cần lưu ý:

  • Kiểm tra thông tin trước khi giao dịch: Tránh nhầm lẫn giữa số thẻ ngân hàng (16-19 chữ số) và số tài khoản ngân hàng.
  • Chỉ dùng số thẻ để giao dịch tại các website, nền tảng uy tín: Hạn chế nhập số thẻ trên các trang web không rõ nguồn gốc hoặc không có chứng chỉ bảo mật. Ưu tiên sử dụng thanh toán qua các cổng trung gian như app Internet Banking của ngân hàng hoặc ví điện tử đáng tin cậy.
  • Bảo mật mã PIN và thông tin cá nhân: Đặt mã PIN khó đoán, không sử dụng các thông tin cá nhân như ngày sinh hoặc số điện thoại. Không chia sẻ số thẻ với bên thứ ba.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXciLnD6zZ83AmFZ3bTr6jwyAHhzniggeqUYbXbsA9J9yCTzCIrb0H-Pwh9kmj3THPlWlE521QgP2cr4qKGI7MQhDiEpp_KpcN1Kx1ItUrBwReDDYPm0J6M0_IUKFWsD7RiS3_QbXg?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Bạn cần chú ý bảo mật thông tin thẻ và chỉ giao dịch tại các website, nền tảng uy tín.

8. Phải làm gì khi mất hoặc nghi ngờ lộ số thẻ ngân hàng?

Trong trường hợp mất thẻ hoặc nghi ngờ số thẻ ngân hàng bị lộ, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ qua các số hotline và cung cấp các thông tin cơ bản như số CMND/CCCD hoặc số tài khoản để xác thực danh tính.  Ngân hàng sẽ tạm thời vô hiệu hóa thẻ để ngăn chặn các giao dịch trái phép. Nếu bạn có ứng dụng ngân hàng trực tuyến, một số ngân hàng cho phép người dùng tự khóa thẻ ngay trong ứng dụng.

Sau khi khóa thẻ, bạn hãy yêu cầu ngân hàng kiểm tra giao dịch gần nhất để đảm bảo không có khoản chi tiêu bất thường và xử lý các giao dịch lạ nếu có. Bên cạnh đó, nếu thẻ của bạn liên kết với các ví điện tử, bạn hãy thay đổi mật khẩu đăng nhập và mã PIN ngay khi có thể. Sau khi thẻ bị khóa, bạn có thể yêu cầu ngân hàng cấp lại thẻ mới với số thẻ khác để tiếp tục sử dụng dịch vụ an toàn.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXd79cetazTr6cGXsM3pae1irDjj_h4eZjDHy914q-5GS1XDPmUDA52ZQ-TiC7Vyb_C_UDXjkBoQNh9QOno59294FlhVhnVeFqoZM3UxzuYFN9dwAqs2Ifc2tT_HCog4aSbTRpcX?key=B9ETvAsMda4SmMUOP5MoD8tP

Khi mất thẻ hoặc nghi ngờ lộ số thẻ ngân hàng bị lộ, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ

Số thẻ ngân hàng không chỉ là công cụ giao dịch và quản lý tài khoản phổ biến. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hiệu quả hơn trong thời đại số hóa ngày nay.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank

  • Địa chỉ: Tòa nhà BRG, 198 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 
  • Call Center: KHCN 1900 555 587 / (024) 39448702 – KHDN 1900 599 952/ 024-32045952
  • Email CSKH: contact@seabank.com.vn

 

Chat bot